Skip to content Skip to navigation

Nghiệm thu cấp Cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, áp dụng cho hành lang số 1 Hải Phòng- Quảng Ninh – Hà Nội”, mã số DT223019

Ngày 28/02/2023, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, áp dụng cho hành lang số 1 Hải Phòng - Quảng Ninh - Hà Nội”, mã số DT223019 do ThS. Phạm Đức Toàn làm chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ được thành lập gồm 7 thành viên, do PGS.TS. Phạm Tâm Thành – PTP. Khoa học – Công nghệ, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị thực hiện theo Quyết định thành lập hội đồng Khoa học công nghệ cấp Cơ sở số 236/QĐ-ĐHHHVN-KHCN ngày 24/02/2023 của Hiệu trưởng Trường ĐHHHVN.
Tham dự buổi đánh giá nghiệm thu có phòng KH-CN, các thành viên hội đồng trong và ngoài trường, Chủ nhiệm đề tài, thành viên tham gia thực hiện đề tài cùng các giảng viên, các nhà khoa học quan tâm tới dự.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm xây dựng phần mềm quản lý, giám sát đội tàu vận tải thủy nội địa, cài đặt ứng dụng cho cảng thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh phương tiện vận tải thủy, có các chức năng lập kế hoạch hoạt động cảng thủy nội địa, doanh nghiệp vận tải thủy, đội phương tiện vận tải thủy nội địa, kế hoạch bốc/xếp container cho các phương tiện bốc/xếp, định vị tàu vận tải thủy nội địa giúp giảm thiểu rủi ro, tai nạn trong quá trình xếp dỡ container, vận hành phương tiện vận tải thủy, đảm bảo tối ưu hóa quá trình xếp và bốc dỡ container, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành.
Đề tài đã được tác giả trình bày báo cáo trước toàn thể Hội đồng đánh giá nghiệm thu, cùng nhận xét và trao đổi, góp ý cho đề tài, với các nội dung về đặc điểm tình hình, thực trạng, tiềm năng vận tải nói chung và vận tải thủy nội địa hàng lang số 1 Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội nói riêng; xây dựng hệ thống quản lý đội tàu vận tải thủy nội địa như lập kế hoạch hoạt động đội tàu vận tải thủy nội địa, kế hoạch bốc/xếp cho các phương tiện bốc/xếp, quản lý, giám sát, định vị tàu vận tải thủy nội địa trên hành lang vận tải thủy số 1; xây dựng ứng dụng hoạt động trên thiết bị cầm tay cài đặt hệ điều hành Android hỗ trợ lập kế hoạch bốc xếp container trên các phương tiện vận tải thủy nội địa, tính toán an toàn, giảm thiểu rủi ro, thời gian, chi phí; đánh giá hiệu quả và tính khả thi; đưa ra một số các giải pháp cụ thể. Kết quả đề tài đã xây dựng được phần mềm ứng dụng hoạt động ổn định sử dụng dữ liệu điện toán đám mây, áp dụng các thuật toán tối ưu, trí tuệ nhân tạo giải quyết bài toán tối ưu hoạt động khai thác, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo sự ổn định an toàn cho phương tiện vận tải thủy; cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý điều hành theo dõi ứng dụng tại cảng đường thủy nội địa, doanh nghiệp vận tải thủy nội địa, giúp nhà quản lý chủ động kế hoạch khai thác đội tàu/trang thiết bị tại các cảng thủy nội địa.
Kết quả đề tài đã được Hội đồng nhất trí đánh giá Đạt.