Skip to content Skip to navigation

Tổng kết ứng dụng khoa học & công nghệ của Trường ĐH Hàng hải VN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lĩnh vực kinh tế biển

Trong những năm gần đây, sự hợp tác NCKH và CGCN của cán bộ giảng viên Nhà trường với các Bộ ngành và Thành phố đã có những bước đi tích cực, thường xuyên bám sát các đơn vị sản xuất kinh doanh: đóng tàu, dịch vụ hàng hải... Nhiều vấn đề KHCN đang vướng mắc tại cơ sở sản xuất, địa phương, nhiều thiết bị, hệ thống, phần mềm điều khiển của các trang thiết bị trên tàu và cảng biển... nhập từ nước ngoài bị hư hỏng, đã được cán bộ khoa học của Nhà trường nắm bắt và hợp tác nghiên cứu, giải quyết thông qua các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật.  
Các đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ được thực hiện theo nhiệm vụ KHCN hàng năm được giao. Trong những năm qua một số đề tài đã có những sản phẩm ứng dụng thực tiễn như: Thiết bị tự động thông gió hầm hàng; Phần mềm tránh va tàu thuyền trên biển; Thiết bị tự động điều khiển tàu theo đướng đi đã định; Thiết bị hệ thống la bàn từ kỹ thuật số và nhiều các sản phẩm khác đã được ứng dụng trước đó: chế tạo và chuyển giao các sản phẩm: Buồng điều khiển trung tâm động cơ diesel chính cho tàu Hạ Long 02 của Công ty Vận tải thủy TKV; 02 hệ thống bảng điện chính cho tàu đóng mới của Công ty Thái Bình Dương; Lò đốt rác dân dụng không dùng năng lượng cho các thành phố Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa. Các đề tài, dự án cấp Bộ, cấp Nhà nước do các nhà khoa học của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện các năm qua đã được ứng dụng trong thực tế, sản phẩm chủ yếu sau:
* Đề tài cấp Nhà nước:
- Dự án KC06.DA10/0610 “Hoàn thiện công nghệ sản xuất các thiết bị điện tự động cho tàu thủy sử dụng công nghệ khả trình (PLC)” do PGS,TS. Phạm Ngọc Tiệp làm chủ nhiệm, trị giá 7,0 tỷ đồng, nghiệm thu 2010, đã được ứng dụng trên các tàu và trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh, như: tàu 3.000 DWT tại Công ty đóng tàu Sông Ninh, Nam Định; tàu Container 75TEU tại Công ty đóng tàu Huy Văn, Hải Dương; Phòng thí nghiệm Trường Cao đẳng Hàng hải I; tàu CN09 tại Công ty Sơn Hải, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng... Sản phẩm bảng điện chính thuộc Dự án KC06.DA10/0610 đã được lắp trên các tàu như: Việt Thuận 09, Việt Thuận 10, Hạ Long TKV, Hà Nội TKV của Công ty Vận tải thủy TKV, Hoàng Sơn, Hoàng Gia...
- Dự án KC.03.DA.11/11-15 "Hoàn thiện công nghệ chế tạo các hệ thống điều khiển và giám sát động cơ diesel trong tự động hóa toàn phần buồng máy tàu thủy" do PGS,TSKH Đặng Văn Uy làm chủ nhiệm, trị giá 7,0 tỷ đồng, nghiệm thu 2013,  đã được chuyển giao cho các tàu, thông qua hợp đồng, như: lắp đặt hệ thống kiểm soát nhiên liệu cho các tàu của Vinacomin; Lắp đặt hệ thống giám sát mức két và giám sát camera cho các tàu đóng tại Công ty Đóng tàu Hồng Hà. Sản phẩm của Dự án KC.03.DA.11/11-15 đã được chuyển giao cho các tàu, thông qua hợp đồng, như: Hệ thống điều khiển máy chính cho tàu Vinacommin Hạ Long, Vinacommin Hà Nội.
- Đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu” BĐKH/11-15 - Bộ Tài nguyên và Môi trường; “Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với một số đảo, nhóm đảo điển hình của Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó” MS: BĐKH - 50 Do PGS. TS. Nguyễn Đại An làm chủ nhiệm, trị giá 6,4 tỷ đồng, nghiệm thu 2015. Sản phẩm của đề tài đã được triển khai cho Sở Tài nguyên  Môi trường các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Đề tài cấp Nhà nước thuộc Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 “Nghiên cứu giải pháp công nghệ và chế tạo thử nghiệm hệ thống thiết bị chuyển đổi động cơ Diesel tàu thuỷ cỡ vừa và nhỏ sang sử dụng hỗn hợp dầu thực vật - dầu Diesel”; do PGS,TSKH Đặng Văn Uy làm chủ nhiệm kinh phí 2,86 tỷ đồng nghiệm thu 2013. Sản phẩm của đề tài đã được áp dụng cho Viện dầu khí Việt Nam, Tổng công ty PVoil…
* Đề tài cấp Bộ:
- Đề tài: “Nghiên cứu tăng công suất khai thác động cơ Diesel chính tàu thủy lai chân vịt định bước” do PGS. TS. Lương Công Nhớ làm chủ nhiệm năm 2004- 2005. Sản phẩm của đề tài được ứng dụng trong hầu hết các Công ty Vận tải biển của Việt Nam và Trường Đại học Hải Việt Nam sử dụng làm bài giảng trong giảng dạy sinh viên.
- Đề tài: “Nghiên cứu chế tạo la bàn từ Hàng hải phục vụ cho tiến trình nội địa hóa sản phẩm” do PGS. TS. Lương Công Nhớ làm chủ nhiệm năm 2008. Sản phẩm của đề tài đã được thương mại hóa.
- Đề tài: “Nghiên cứu sử dụng công nghệ GIS tối ưu hóa thiết kế bố trí báo hiệu an toàn Hàng hải” do PGS. TS. Lương Công Nhớ làm chủ nhiệm năm 2012. Sản phẩm của đề tài được ứng dụng tại công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Bắc và công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam.
- Đề tài: “Nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học gốc thay thế diesel cho động cơ tàu thủy cỡ nhỏ” do PGS. TS. Lương Công Nhớ làm chủ nhiệm năm 2015. Sản phẩm của đề tài được ứng dụng tại Cục đường sông, chủ yếu cho các tàu công suất nhỏ vận tải ở Khu vực Miền Tây Nam bộ.
- Đề tài NCKH cấp Bộ GTVT: “Nghiên cứu, chế tạo lò đốt rác trang bị trên tàu biển Việt Nam” MS: MT074011, hoàn thành 2008 Do PGS.,TS Nguyễn Đại An làm chủ nhiệm trị giá 270 triệu đồng. Sản phẩm của đề tài đã được áp dụng cho Tổng công ty CNTT Bạch Đằng, Nam Triệu, Các tỉnh, thành Thái Nguyên. Sơn La, Hải Phòng
- Đề tài NCKH cấp Bộ GTVT (2011-2012) thuộc chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của Bộ GTVT: “Thử nghiệm sử dụng LPG, CNG cho động cơ thủy cỡ nhỏ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong GTVT thủy” MS: NL102003. Đã nghiệm thu 2013 do PGS,TSKH Đặng Văn Uy làm chủ nhiệm, trị giá 700 triệu đồng. Sản phẩm của đề tài đã được áp dụng cho Viện dầu khí Việt Nam, Tổng công ty PV OIL…
- Đề tài NCKH cấp Bộ Giao thông Vận tải “Xây dựng các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm giảm chi phí nhiên liệu cho tàu biển; ứng dụng cho một đội tàu” MS: NL 142001 do PGS.,TSKH. Đặng Văn Uy làm chủ nhiệm, trị giá 2,09 tỷ đồng, nghiệm thu 2015. Sản phẩm của đề tài TKNL: Lắp đặt hệ thống kiểm soát nhiên liệu cho các tàu của Vinalines Container, Vinacomin; Lắp đặt hệ thống giám sát mức két và giám sát Camera cho các tàu đóng tại Công ty đóng tàu Hồng Hà, tàu Glory Star, Công ty Khải Hoàn…
- Đề tài NCKH cấp Bộ: “Nghiên cứu đánh giá độ tin cậy và thời hạn phục vụ của các cọc chịu lực trong các công trình bến cảng”, MS: DT124009 do TS. Phạm Văn Trung làm chủ nhiệm, thực hiện 2012-2013. Đề tài đã đưa ra mô hình tính toán đánh giá độ tin cậy và thời hạn phục vụ còn lại của các cọc chịu lực trong các công trình bến cảng đã và đang được khai thác sử dụng. Đề tài được ứng dụng tại Trung tâm tư vấn phát triển công nghệ xây dựng Hàng hải. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần hoàn thiện mô hình tính toán thiết kế cho các công trình thủy. Đặc biệt là trong công tác kiểm định các công trình bến cảng do hiện nay vẫn đang sử dụng các phương pháp cũ để đánh giá công trình.
- Dự án cấp Bộ: “Đánh giá và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho ngành hàng hải Việt Nam”, MS: CC101001 thực hiện năm 2012-2014 do PGS.TS. Nguyễn Văn Ngọc làm chủ nhiệm đề tài, đã khảo sát, nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với kết cấu hạ tầng hàng hải trên toàn quốc bao gồm: công trình bến cảng biển, kho bãi, đường giao thông trong cảng, luồng, thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải v.v… từ đó xây dựng giải pháp khắc phục, ứng phó với BĐKH và NBD cho các hoạt động hàng hải. đề tài đã được Ứng dụng tại Trung tâm tư vấn phát triển công nghệ xây dựng Hàng hải trong công tác thiết kế các tuyến luồng, công trình thủy (bến tàu, triền, ụ tàu...),... đảm bảo ứng phó được với các tác động của biến đổi khí hậu trong quá trình khai thác một cách ổn định nhất.
Không chỉ dừng ở việc phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, hoạt động NCKH của Nhà trường đã và đang phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
- Đề tài NCKH cấp Bộ GTVT: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống la bàn từ kỹ thuật số cho tàu cá và tàu biển chạy tuyến nội địa của Việt Nam”, MS: DT154034, do PGS. TS. Phạm Kỳ Quang làm chủ nhiệm đề tài, thực hiện năm 2015. Đã thiết kế và chế tạo thành công hệ thống la bàn từ kỹ thuật số, phục vụ lắp đặt trên tàu cá, đặc biệt là tàu cá vỏ thép đánh bắt xa bờ và tàu biển chạy tuyến nội địa. Hệ thống la bàn từ kỹ thuật số, được Trung tâm Đo lường - Chất lượng 1, thuộc Cục Kỹ thuật Hải quân, kiểm tra và đánh giá các thông số cơ bản, thoả mãn các yêu cầu theo quy định. Sản phẩm của đề tài đang được lắp đặt thử nghiệm trên một số tàu biển và bước đầu được đánh giá tích cực. Sản phẩm của đề tài có ý nghĩa thực tiễn ứng dụng cao, tích cực trong công tác nội địa hoá sản phẩm thiết bị hàng hải trong nước, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực khai thác vận tải biển, khai thác và đánh bắt thuỷ sản, đóng tàu,..


MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CÁC SẢN PHẨM ĐÃ ĐƯỢC TRIỂN KHAI 


Những sản phẩm này bước đầu đã tạo ra nguồn thu từ hoạt động KH&CN giúp các nhà khoa học của Trường ổn định về đời sống vật chất, tiếp tục cống hiến cho khoa học, cho sự phát triển của đất nước.